Tết sớm trên cao nguyên đá Đồng Văn
Cập nhật, 07:51, Thứ Sáu, 10/01/2014 (GMT+7)
Những ngày cuối năm, bỏ lại phía sau những tất bật lo toan mỗi khi Tết đến xuân về, vượt qua chặng đường hơn 600km, hơn 60 thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Sống để yêu thương” đã đem Tết đến sớm cho bà con Cao nguyên đá Đồng Văn.
CLB “Sống để yêu thương” khám, phát thuốc miễn phí cho bà con tại xã Hố Quáng Phìn |
Về với Hố Quáng Phìn
Hố Quáng Phìn là xã khó khăn nhất của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, dù nơi ấy chỉ cách trung tâm huyện Đồng Văn hơn 30km. Từ Hà Nội lên tới đỉnh núi phủ đầy đá này là quãng đường 600km, nhiều đoạn cheo leo giữa núi đá và vực thẳm được ví như “thử thách lòng dũng cảm”… Sau hành trình 3 đêm 2 ngày, vất vả, nhiều đoạn xe phải nhích từng cm vì sợ thủng lốp, nấu ăn tại sân ủy ban, ngủ trên bàn học sinh... các thành viên của CLB “Sống để yêu thương” đã đến được với các em học sinh, các thày cô giáo, bà con dân bản và các chiến sỹ biên phòng Đồn Lũng Cú đang ngày đêm canh giữ vùng đất biên cương phía Bắc.
Tại xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, các thành viên của Câu lạc bộ “Sống để yêu thương/Hạnh phúc để sẻ chia” (H2S) đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho 165 hộ gia đình nghèo, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó; Tặng áo đồng phục, áo rét, sách vở, bút, dép, chăn bông, khăn len, dầu ăn, gạo trắng, MBH… cho hơn 800 học sinh từ mầm non đến THCC. Tổng giá trị quà tặng lên tới hơn 200 triệu đồng. |
Đến Hố Quáng Phìn mới thấy những điều mà người chưa đặt chân đến khó tưởng tượng ra. Người dân nơi đây không chỉ dọn đá, lấy khoảng đất nằm dưới đá để trồng cấy mà còn cõng đất từ chân núi lên, rồi phủ lên đá để trồng ngô. Những đất phủ lên đá ấy cũng chỉ canh tác được một vụ, mùa mưa đến, dòng lũ cuốn đi, đến mùa sau người dân lại xuống núi cõng đất lên. Địa nhưỡng không ưu đãi, nên hành trình làm ra hạt gạo ở Hố Quáng Phìn khó khăn hơn ở vùng xuôi nhiều lần. Ngay cả nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt hàng ngày ở Hố Quáng Phìn cũng hiếm. “Mùa mưa, nước cuốn trôi cả đất trồng cây, nhưng mùa khô nước lại “trốn biệt” vào đá, người dân phải trữ nước mưa vào mọi thứ có thể, kể cả vào hố nước, hốc đá... mà dùng dần”, ông Lầu Mí Xắt cho hay.
Yêu thương để lại
Buổi tối nơi đây lạnh thấu xương, Đoàn công tác từ thiện đã tổ chức giao lưu đốt lửa trại, tặng quà cho các thày cô giáo, cán bộ xã Hố Quáng Phìn và các chiến sỹ ở Đồn biên phòng Lũng Cú; Tổ chức phát và hướng dẫn cách đội MBH khi tham gia giao thông cho thanh niên dân tộc Mông nơi Cao nguyên đá Đồng Văn. Hoạt động này thật sự có ý nghĩa bởi từ đầu năm 2013, đường ô tô đã về đến Hố Quáng Phìn - xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Đồng Văn.
Nhận MBH, anh Hường, cán bộ xã cho biết, từ năm 2013 được sự quan tâm của ngành Giao thông, đường về xã đã được xây dựng thông thoáng. Tuy nhiên, do ý thức tham gia giao thông còn hạn chế nên tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra. “Nếu không có MBH, đi xe máy cũng lo lắm, giờ được nhận MBH xịn thế này, vui lắm…”, một thanh niên cắt ngang lời anh Hường.
Quà mà các tình nguyện viên H2S đem đến với bà con vùng cao không chỉ là vật chất mà còn chứa đựng nhiều tình cảm khó có thể diễn tả. Một cụ bà ở Hà Nội, mẹ của một thành viên trong đoàn đã miệt mài đan khăn suốt mùa hè để kịp gửi đến các cụ già ở Hố Quáng Phìn với hy vọng bớt đi cái lạnh nơi vùng cao. Chúng tôi phải nhờ một cô giáo dịch tiếng dân tộc nói rõ xuất xứ của những chiếc khăn ấm. Nghe xong, các cụ già ở đây nhìn nhau rơm rớm nước mắt gửi lời cảm ơn cụ già ở dưới xuôi…
Chúng tôi rời Hố Quáng Phìn khi màn sương sớm còn giăng khắp núi. Những em bé ấm áp hơn trong tấm áo mới... hướng ánh mắt ngây thơ, trong sáng... nhìn theo. Tết dường như đến sớm hơn nơi Cao nguyên đá Đồng Văn, bởi những yêu thương đã thực sự để lại nơi này.
Hồ Thu Thủy
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét